Ngày viết

TẬN HƯỞNG TRẢI NGHIỆM

Trong khóa học The Science of Well-being của đại học Yale, giáo sư Laurie Santos có nhắc đến hai loại hàng hóa mà chắc hẳn ai cũng đã từng và vẫn thường xuyên mua:

– Hàng hóa vật chất: bao gồm những thứ như là nhà cửa, xe cộ, điện thoại, quần áo

– Và Trải nghiệm: như là xem phim, nghe nhạc, ăn uống, du lịch

Trong hai loại hàng hóa này, thì trải nghiệm có thể khiến chúng ta hạnh phúc trong thời gian dài hơn là hàng hóa vật chất. Nhưng thực tế là chúng ta lại hay đầu tư và thích đầu tư vào hàng hóa vật chất hơn.

Nhà tâm lý học Dan Gilbert đã có lí giải cho điều này trong sách “Tình cờ gặp hạnh phúc”. Bởi một món hàng vật chất là nó cứ mãi ở đó, không có sự thay đổi theo thời gian. Mà con người thì lại thích nghi rất nhanh. Hôm nay sung sướng với một chiếc xe đẹp , nhưng chỉ tháng sau tâm trí ta đã quen với sự tồn tại của nó và ta lại thấy nó thật bình thường.

Nhưng trải nghiệm thì lại hoàn toàn ngược lại. Dù là một bữa ăn quán, một buổi cà phê, một kỳ nghỉ hay một cuộc hội khóa cũng sẽ kết thúc. Nhưng những kỉ niệm đẹp sẽ còn lại. Và chính những kỉ niệm đẹp đó giúp chúng ta hạnh phúc trong thời gian dài.

Nhưng không chỉ trải nghiệm hiện tại và trải nghiệm quá khứ mới khiến chúng ta hạnh phúc, mà ngay cả việc nghĩ về trải nghiệm tương lai cũng khiến ta hạnh phúc.

Mình thích câu hát “Tuổi thơ như chiếc gối êm, êm cho tuổi già úp mặt” của bác Trần Tiến quá. Đúng là những kí ức, trải nghiệm của chúng ta không chỉ nuôi dưỡng ta, làm cho ta hạnh phúc. Mà còn hơn thế nữa.

Thế nên, hãy tạo cho mình những trải nghiệm, và lúc đó ta hãy chú tâm, trọn vẹn vào những trải nghiệm của mình. Để có những kỉ niệm thật đẹp.

Ngày viết

CÁC GIAI ĐOẠN PHẢN ỨNG VỚI SỰ THAY ĐỔI

Cuối cùng hầu hết mọi người sẽ thích nghi và hòa hợp với sự thay đổi. Thế nhưng trước đó họ phải trải qua rất nhiều giai đoạn tâm lí khác nhau. Thật dễ hiểu, con người thường có khuynh hướng không thoải mái với những rủi ro và có khuynh hướng lẩn tránh nó khi có thể. Tuy nhiên khi không thể – như khi phải thực hiện một sáng kiến thay đổi của công ty – thì việc thích ứng với thay đổi có xu hướng trải qua các giai đoạn tâm lí có thể dự đoán được.

Bốn giai đoạn đó là:

1. Bất ngờ: Chúng ta cảm thấy bị đe dọa bởi thay đổi được dự báo trước. Thậm chí ta có thể phủ nhận sự bất ngờ đang tồn tại trong mình: “Điều này không thể xảy ra”. Rất có thể, ta trở nên bất động và tạm ngưng mọi hoạt động để bảo vệ bản thân. Cảm thấy không an toàn, rụt rè, không thể hành động và ít dám mạo hiểm là điều hay diễn ra ở giai đoạn này. Trong thời gian này năng suất làm việc sẽ sụt giảm.

2. Rút về phòng thủ: Sau trạng thái bất ngờ chúng ta sẽ rút về phòng thủ. Chúng ta trở nên tức giận với những gì đã xảy đến, ngay cả khi đã quen với cách làm mọi việc. Ta cố gắng nắm chặt quá khứ trong khi công kích sự thật rằng mọi việc đã thay đổi. Mâu thuẫn này cũng ngăn họ mạo hiểm, tình huống này được nhìn nhận là không an toàn.

3. Nhận thức: Đây là giai đoạn đa số mọi người đều ngưng phủ nhận việc thay đổi và công nhận rằng chúng ta đã bị MẤT MỘT THỨ GÌ ĐÓ. Lúc này ta có thể than vãn. Các trạng thái tâm lí trong giai đoạn này, bao gồm cả nỗi đau và sự tự do. Ta cũng dễ chấp nhận rủi ro ở trong giai đoạn này hơn.

4. Chấp nhận và thích ứng: Hầu hết mọi người cuối cùng cũng sẽ tiếp thu thay đổi và thực hiện những thay đổi cần thiết để tiến lên phía trước. Chúng ta xem bản thân mình đứng “trước và sau” mỗi thay đổi. Trong một vài trường hợp, chúng ta chủ động ủng hộ những gì trước đây từng chống đối. Việc chấp nhận và thich ứng đồng nghĩa với việc từ bỏ tình huống cũ , cũng như sự khổ sở, phân vân và nỗi lo sợ đã có ở những giai đoạn trước.

Bốn giai đoạn này thường diễn ra theo trình tự, việc tăng tốc tiến trình sẽ gặp phải những nguy cơ về tâm lí chưa hoàn thành từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Mặc dù đa số mọi người trải qua bốn giai đoạn, nhưng có một số người trải qua nhanh hơn những người khác. Một số lại bị mắc kẹt trong các giai đoạn rút lui và phòng thủ.

Tóm lại, thay đổi là diễn ra rất nhiều. Nhất là trong giai đoạn này. Vậy nên, những người có tinh thần yếu đuối thường đối mặt với rủi ro cao nhất trong suốt quá trình thay đổi. Nhận thức được tình trạng đó, nếu là nhà quản lí bạn có thể giúp đỡ những nhân viên này trong việc tiến lên phía trước khi xảy ra thay đổi.